8/21/11

Thương Mẹ Thanh Chương

Em hẹn anh về thăm Thanh Chương
Nhưng lụt lớn mần răng mà về được
Nước mênh mông, nhiều đoạn đi bằng nôốc*
Thèm nhút, thèm cà đành hẹn lần sau

Em nhớ ngày xưa mẹ bảo :
Chịu thương, chịu khó, mẹ sẽ nhận làm dâu
Muối nhút, muối cà từ từ mẹ dạy
Con nhà giáo tay không quen liềm, hái
Cứ về rồi mai mốt học sau !

Em đỏ mặt dạ mẹ một câu
Rồi nắm áo kéo anh ra hái ổi
Anh khoái chí cười, còn em giận dỗi
Ngừi ta đạ chi mô mà dám nói ?.. Ghét không !...

Anh gõ trán em, lớn rồi phải lấy chồng
Cứ chảnh chẹ coi chừng ê sắc ế
Em phụng phịu chạy vào nhà méc mẹ
Mẹ cười hiền "bay thật giống trẻ con"

Mẹ gấm, mẹ sàng, thóc gạo chạy vòng tròn
Gạo tuôn xuống, thóc nhón đều tay mẹ
Gấm, gãy, dần, sàng... mẹ ơi khó thế ?!...
Mẹ đứng cười, con không biết làm nông

Lâu lắm rồi em không về Thanh Chương
Ăn nhút, ăn cà từ tay mẹ muối
Mấy hôm rồi gió mưa, lụt lội
Thương câu : Mẹ nghèo con có chịu làm dâu ?!...

Anh xa quê, hai đứa xa nhau
Trong kí ức em dâu hiền của mẹ
Chiều nay anh về, cho em gửi lời anh nhé
Thương lắm quê nghèo, thương mẹ - Thanh Chương !...

VT, 07/11/2008, Lê Tùng Anh

7/29/11

Giá trị đích thực của một con người theo quan điểm của Albert Einstein

Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi: anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.
Về của cải
Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.
Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?
Cộng đồng và cá thể
Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rơi một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.
Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tùy theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.
Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ nhận thấy rằng, trải qua bao thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước.
Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.
Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hóa Hy-Âu-Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hóa thời Phục hưng ở Ý - thời chấm dứt đêm trường trung cổ ở châu Âu - đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng.
Bây giờ, hãy nhìn vào thời đại chúng ta đang sống! Cộng đồng được nhìn nhận ra sao, còn cá thể thì thế nào? So với thời trước, mật độ dân số ở các nước văn minh hiện quá cao; châu Âu hôm nay chứa một lượng người lớn gấp ba lần cách đây một trăm năm. Nhưng tỉ lệ những người có tư chất thủ lĩnh lại giảm sút. Chỉ có một số ít người, nhờ thành tựu của mình, nổi lên trước đám đông như một nhân cách. Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học.
Đặc biệt nhạy cảm, sự thiếu hụt cá tính trong lĩnh vực nghệ thuật đang lộ rõ. Hội họa và âm nhạc xuống cấp trông thấy và đang đánh mất ghê gớm sự cộng hưởng trong công chúng. Trong chính trị, không chỉ thiếu người cầm lái mà sự độc lập tinh thần cũng như ý thức về lẽ phải của dân chúng cũng giảm sút khủng khiếp. Chế độ dân chủ nghị trường , chế độ vốn lấy sự độc lập nói trên làm điều kiện tiên quyết, đang bị chao đảo ở nhiều nơi; các chế độ độc tài xuất hiện và được dung dưỡng, bởi ý thức về danh dự và quyền cá nhân không còn đủ mạnh nữa. Chỉ trong hai tuần, vì báo chí, đám đông mù quáng ở một quốc gia nào đó có thể bị làm cho giận dữ và kích động đến nỗi những người đàn ông sẵn sàng khoác áo lính để đi giết người và bị giết vì những mục đích chẳng lấy gì làm cao quý của những thế lực nào đó. Nghĩa vụ quân sự với tôi là dấu hiệu nhục nhã nhất về sự thiếu hụt phẩm giá cá nhân, sự thiếu hụt mà vì nó, nhân loại văn minh của chúng ta đang quằn quại. Chẳng thế mà không thiếu những nhà tiên tri, những kẻ dự báo ngày tàn của nền văn minh chúng ta đang đến gần. Tôi không thuộc số những kẻ bi quan này; tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đây tôi muốn biện giải cho lòng tin ấy một cách ngắn gọn:
Theo ý kiến của tôi, những biểu hiện suy tàn hiện nay bắt nguồn từ chỗ: sự phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề. Nhưng mặt khác, kỹ thuật phát triển lại giúp cá nhân ngày càng phải lao động ít hơn mà vẫn thỏa mãn được các nhu cầu chung. Việc phân công lao động có kế hoạch đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cấp thiết, và việc phân công này sẽ mang lại sự bảo đảm về vật chất cho từng cá thể. Sự bảo đảm này, cũng như sức lực và thời gian dư ra của các cá thể, sẽ là một lợi thế cho sự phát triển nhân cách. Cộng đồng nhờ thế sẽ khỏe mạnh trở lại, và chúng ta hãy hy vọng rằng, các sử gia tương lai sẽ nhìn những biểu hiện bệnh tật của thời đại chúng ta như chứng cảm cúm của trẻ con , chứng cảm cúm của một nhân loại đang vươn mình lên cao - mà tất cả chẳng qua cũng do tốc độ chuyển đổi quá nhanh mà ra.
Trích ra từ cuốn: Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein

1/21/11

Tản mạn về cuộc sống

Ai cũng biết cuộc sống là quý giá và đời người chỉ có một lần. Nhưng không phải ai cũng thấy cuộc sống là tươi đẹp và đáng sống. Điều đó còn tuỳ thuộc vào thái độ và mục đích sống của mỗi người.

SỐNG ĐỂ LÀ GÌ?

Có thể bạn trả lời ngắn gọn, chung chung: Mục đích cuộc sống là thành công và hạnh phúc. Có bạn liệt kê hơn cả trang giấy với tất cả những đòi hỏi từ tiền bạc, tài sản, sức khoẻ, danh tiếng để thoải mái, sung sướng… Có bạn cao thượng : Sống không nên tham lam và ích kỷ, sống để làm theo lý tưởng, để giúp đỡ người khác và mang hạnh phúc đến cho mọi người… Như vậy, tùy vào hoàn cảnh và mục tiêu riêng, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau và câu trả lời đó sẽ còn tiếp tục thay đổi. Cho nên, bạn hãy sống như bạn cảm thấy là đúng đắn và hãy đi đến những miền mà trái tim bạn chỉ lối, như vua hài Charlie Chaplin từng nói : “Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay”.

NHỮNG ĐIỀU LÃNG PHÍ NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI

Sức khoẻ: Lúc trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề nên họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống vô điều độ… Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm người ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “ không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn!

Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

Tuổi trẻ: Là quảng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao, vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

Cơ hội: Cơ hội là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.

Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.

5 VIỆC CỦA ĐỜI NGƯỜI

Việc thứ nhất: Đọc kỹ một cuốn sách. Sách hay có thể làm rung động trái tim của bạn.

Việc thứ hai: Nắm vững một nghề. Giỏi một nghề sẽ làm cho cuộc đời bạn thiết thực hơn và cũng đủ để nuôi sống gia đình bạn. Đừng xem nhẹ những việc nhỏ mọn. Nhỏ nhưng độc đáo cũng trở thành có giá trị.

Việc thứ ba: Có một gia đình hoà thuận. Người xưa nói : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Với số đông trị quốc bình thiên hạ hơi xa xôi, nhưng xây dựng một gia đình hoà thuận là có thể làm được và hiện thực hơn rất nhiều.

Việc thứ tư: Luôn mang những tình cảm tốt đẹp trong lòng. Chỉ cần lòng ta trong sáng thì thế giới này mãi mãi tràn ánh nắng mặt trời. Mà biện pháp duy nhất làm cho lòng được trong sáng là có một trái tim biết yêu, trong trái tim đó chỉ chứa đựng tình cảm tốt đẹp mà thôi.

Việc thứ năm: Làm một người tốt. Đừng coi việc thiện nhỏ mà không làm, đừng coi việc ác nhỏ mà làm. Làm nhiều việc tốt nhỏ nhỏ dần dần sẽ trở thành người tốt. Thế giới này có thể không cần nhiều anh hùn, nhiều thiên tài, nhưng rất cần những người tốt.

Làm tốt những việc bình thường trên đây, cuộc đời bạn sẽ phát ra thứ ánh sáng kỳ diệu. Có thể cuộc đời bạn không oanh liệt nhưng lòng bạn chân thành , tất cả những việc cần làm bạn đã làm đủ, bạn đã sống đúng với mình và với cả thế gian này.

14 ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí