9/17/10

Ở xứ hạnh phúc

Nghe bản nhạc này:


TTCT - Có một cái xứ hiền khô chỉ biết ngồi yên không cựa quậy nhúc nhích tới nỗi người ta tưởng là nó giả chết. Nó cũng là một cái xứ dễ thương, một cái xứ sung sướng nhất trong cái đám những xứ sung sướng.

Công dân ở xứ đó ra sức làm lụng quần quật, quần quật không biết mệt, không biết cho ai hưởng. Cả đời nai lưng trong một công việc không thấy kết quả, chẳng khác gì kẻ múc nước đổ vô một cái thùng lủng lỗ, đổ hoài, đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra hết không thấy đầy.

Thành thử chẳng bao giờ họ được đi dạ hội, được bước vô rạp hát, được nghe hòa nhạc, được coi xinêma, được lai vãng tới chốn lầu xanh. Thiệt là cái xứ có nhiều đức hạnh. Như có điều độ: ở đó người ta chỉ ăn cơm với một chút rau luộc và chỉ uống nước ao. Như cần kiệm: ở đó người ta tiêu xài rất ít bởi vì trong túi có xu teng nào đâu mà tiêu xài. Như an phận thủ thường và bằng lòng với số phận: bởi vì hình như ở xứ đó người sung sướng hơn ai hết là người ăn mặc quần áo rách rưới tả tơi. Như biết vâng lời, phục tùng, biết cố sức chịu đựng như mấy con lừa, bị người ta mang giày tây đá đít hay lấy baton đánh vô đầu mà không dám hó hé một câu. Và lúc nào cũng chạy theo củ cà rốt của tên cưỡi ngựa ở phía trước đưa ra nhử để giễu cợt.

Ở đó đức hạnh, đức hạnh nhiều vô số kể! Làm như khoa học là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tiền bạc là nguyên nhân của mọi tật xấu, nên ở đó các loại tri thức đều bị cấm và của cải trong công quỹ thì đem ra phung phí tự do. Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước...



“...Chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè”.

NGUYỄN AN NINH



...Bạn đọc đừng tưởng đó là một xã hội thụt lùi, quá lạc hậu. Theo lời của các quan chức cai trị thì ở đó có nào là bọn bônsơvit, bọn phát xít, bọn bảo hoàng, bọn chủ trương dân chủ, bọn đòi thống nhất, bọn theo đường lối phân ly, bọn cực đoan..., bọn xăng phú bất cần và các đảng phái nhiều vô số kể, nhiều như những cái tên có cái đuôi “it” (*) ở đằng sau, tới nỗi người ta phải duy trì cả một đạo quân thám tử và điềm chỉ viên rất là tốn kém.

Và phải nói rõ là như vậy cũng chưa đủ. Tôi đã được nhìn thấy những người làm cái nghề cao quý đó hành sự một cách cần mẫn, rất có lương tâm ở các góc đường. Thí dụ có ai vừa đọc tới mấy tiếng Moscou hay Petrograd là bị luôn mấy tay này lấy tên và ghi, bạn đọc cũng biết là ghi những gì rồi. Nếu có người nào giơ cao cánh tay quơ quơ gì đó là anh ta liền lấy tên lập tức và ghi thêm là phát-xít, mặc kệ cho người đó hết hơi cải chính, nói là chỉ giơ tay ngoắc chiếc xe kéo thôi nhưng anh ta vẫn không tin, cứ đề quyết là nói láo.

Bạn sẽ nói: “Chuyện như vậy thiệt là ngốc nghếch, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại phát khóc được”. Sai rồi, sai rồi, không phải đâu bạn ơi, tất cả cái đó chỉ là một cách giống như bao nhiêu cách khác để tự làm cho mình cảm thấy sung sướng, bởi vì sung sướng thay là kẻ có thể sống bằng ảo tưởng và có nhiều ảo tưởng...; sung sướng thay là dân tộc nào có thể tự cho mình cái ảo tưởng đạt được trình độ văn minh tiên tiến mà không bị bắt buộc phải trả bằng một cái giá; sung sướng thay là vị quan chức nào đang hò hét la lối những hình nộm bằng rơm mà cứ ảo tưởng mình đang điều khiển chỉ huy những con người siêu hạng.

Bạn lại nói: “Sống bằng ảo tưởng, chỉ bằng ảo tưởng! Như vậy lại càng ngốc nghếch hơn, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại khóc hu hu lên được”.

Này, anh bạn thân mến kia ơi! Quỷ bắt anh cho rồi, bắt anh luôn với cái tật thù ghét ảo tưởng của anh! Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè.

NGUYỄN AN NINH

9/3/10

Tìm hiểu linh tinh: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hiểu sao cho đúng?

Có chuyên tâm vào công việc thì mới mong có thành công. Lời răn này luôn đúng. Còn một câu thành ngữ quen thuộc khác cũng mang ý nghĩ trên: "một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Nhưng tập trung để làm tốt một việc còn có thể xem xét từ một góc nhìn khác. Ở đây là các khái niệm "kỹ năng" và "nghệ thuật cân bằng". Trong cuộc sống kinh doanh hiện đại, chỉ biết và cố gắng làm tốt một công việc dường như không còn đúng nữa, đặc biệt với các doanh nhân.

Người làm kinh doanh không thể chỉ làm một công việc đơn thuần. Điều này cũng chính là điểm hấp dẫn và thú vị từ công việc kinh doanh với vô vàn thách thức. Công việc đòi hỏi mỗi doanh nhân phải có khả năng làm nhiều việc và trong số đó có một hay một vài việc làm tốt nhất. Việc cần làm tốt nhất đó, theo ý kiến chủ quan, là sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có hoặc có thể huy động được.

Khả năng làm nhiều việc giúp bồi đắp tư duy thoáng đạt cho doanh nhân. Năng lực cá nhân này sẽ chuyển hoá và phản ánh vào năng lực của doanh nghiệp. Có thể quan sát thấy doanh nghiệp cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ chính yếu nhưng điều này không đồng nghĩa họ chỉ theo đuổi và cung cấp một sản phẩm duy nhất. Hành vi này vẫn được nhắc đến khá thường xuyên trong các lý thuyết quản trị như "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" hay “bán cái thị trường cần chứ không bán cái doanh nghiệp có thể làm được”...

Diễn giải như trên có dẫn tới “chiến lược gai mít” cho doanh nghiệp? Không phải vậy. Dù làm nhiều việc nhưng vẫn có trọng tâm, vẫn cần một việc tốt nhất tại mỗi thời điểm, làm xương sống cho các hoạt động khác. Và khi triển khai đồng thời nhiều công việc, thì vai trò của phương pháp và kỹ năng thể hiện càng rõ ràng.

Việc phải làm chủ nhiều kỹ năng phản ánh rõ nét hơn với các vị trí quản lý hoặc đảm nhiệm vai trò điều phối công việc. Lấy ví dụ một cá nhân ở cương vị Giám đốc Tài chính (CFO). Kỹ năng đầu tiên mà cá nhân này phải nắm vững có thể hình dung là các kỹ thuật tài chính, kế toán, thao tác máy tính, và khai thác phần mềm... Không chỉ dừng ở đó. Để tìm đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho doanh nghiệp, cấu trúc vốn hợp lý và cân bằng quyền lợi của các bên liên quan... công việc thực tế của CFO đôi khi đòi hỏi nhiều hơn kỹ năng truyền thông, giao tế, điều chỉnh cảm xúc... Ở vị trí của mình, CFO còn thường xuyên phải làm việc với các bộ phận khác trong doanh nghiệp, bởi vậy, các kiến thức căn bản về marketing, bán hàng, nhân sự... cũng không thể thiếu.

Vậy để làm tốt công việc, CFO phải biết tất cả và giỏi tất cả? Cũng không phải vậy. Một kỹ năng quan trọng khác: Nghệ thuật cân bằng. Có thể lấy các động tác nhảy tuyệt vời của vua nhạc Pop M. Jackson làm hình ảnh minh hoạ cho kỹ năng này. Là một ca sĩ, điều trước tiên giúp Jackson bước lên ngai hoàng đế là giọng ca, nhưng các bước nhảy của nghệ sĩ này cũng mở ra một trường phái vũ đạo mới.

Người làm kinh doanh cũng vậy, luôn phải giữ thăng bằng và sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý trong muôn vàn công việc phải giải quyết. Cô marketing cần trao đổi về kế hoạch giới thiệu sản phẩm- Rất quan trọng, thị trường mà, phải cùng nhau suy nghĩ. Anh kế toán cần thống nhất lộ trình thanh toán với nhà cung cấp- Lại phải lo tiền rồi, nhưng quá quan trọng, phải bàn kỹ. Quản đốc phân xưởng thông báo có hai công nhân xin nghỉ việc- Con người là tài sản, cần tìm hiểu cụ thể lý do và có giải pháp. Và còn muôn vàn thứ khác!

Kỹ năng cân bằng dường như chưa quen thuộc tại Việt Nam. Thử tìm kiếm tại Google với từ khoá "nghệ thuật cân bằng" mang lại 15 kết quả với phần lớn nội dung là văn hoá, và nghệ thuật xiếc. Khi tìm kiếm với cụm từ "art of balancing" mang lại gần 45.000 kết quả và những kết quả tìm kiếm đầu tiên đề cập tới nội dung kinh doanh và quản trị!

Sưu tầm trên mạng Internet!

6/1/10

Quan điểm của Albert Einstein về Chúa



Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận.

Về bản thể luận, ông tin rằng thế giới tồn tại khách quan không phụ thuộc vào thần kinh và ý thức con người. Vũ trụ hoạt động theo quy luật khách quan. Không thể tin rằng Thượng đế lại có thể can thiệp vào sự vận hành của các thiên thể, các sự kiện diễn ra bị ảnh hưởng bởi điều mong ước được khấn với một thực thể siêu tự nhiên. Ông bác bỏ quan niệm tôn giáo về một vị thượng đế quyết định hành vi và số phận của con người. Bản chất của vị thượng đế đó chính là phản ánh mục đích chủ quan và sự yếu đuối của con người.

Tôi không thể hình dung một vị Thượng đế lại ban thưởng hay trừng phạt những vật do mình sáng tạo ra, một vị Thượng đế mà mục đích được phỏng theo mục đích của chúng ta, tóm lại một vị Thượng đế chẳng qua chỉ là phản ánh sự bạc nhược của con người mà thôi.
Không có tự do tuyệt đối ý chí con người không thực hiện được tất cả điều mình muốn. Hành động của con người tuân theo tính tất yếu khách quan không chỉ của thế giới bên ngoài, mà còn cả của chính bên trong mình.

“Mỗi người hành động không chỉ do sự bắt buộc bên ngoài mà còn phải phù hợp với tính tất yếu bên trong”.

Bác bỏ quan niệm tôn giáo về bất tử tuyệt đối của cá nhân mà chỉ có sự bất tử tương đối.

- Một là do ảo tưởng về “kiếp sau” không căn cứ
- Hai là sự duy trì ký ức về một người qua một số thế hệ

Cái chết của một con người không đồng nhất với hư vô hoá, bởi hành động và ý thức của người đó vẫn được lưu giữ qua các thế hệ con cháu, thông qua những công trình, thành tựu người đó để lại cho hậu thế - thông qua ký ức những thế hệ sau.

Về nhận thức luận, ông cũng phụ định về sự mặc khải (tức sự tiết lộ của Thượng đế về bí mật của thế giới cho vài người) – mặc dù lý trí con người là nhỏ bé nhưng là cái duy nhất con người dựa vào đó để nhận thức thế giới. Sự gia tăng của chủ nghĩa thần trí và duy linh chỉ là dấu hiệu của yếu đuối và nhầm lẫn.
Trích từ: chungta.com

5/12/10

Anh ghét em rồi

Anh ghét em rồi em biết không?
Ghét làn da trắng ghét môi hồng
Ghét hàm răng khểnh xinh xinh nữa
Ghét cả đêm dài anh nhớ mong.

Em cứ đi đi... trời bên ấy rất trong
Anh chẳng mong mình gần nhau thêm chút nữa
Nỗi buồn ai mang đứng nấp sau khung cửa
Anh nén chặt lòng mình chẳng gọi tiếng "Em ơi".

5/7/10

Hồ sơ một cửa

Phần mềm Hồ sơ một cửa điện tử ( cho các đơn vị hành chính):


Hồ sơ một cửa Tại Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum

2/5/10

Cậu bé nghèo cười hạnh phúc!


Cậu bé bị xích vào cột đèn để Cha mẹ đi làm ở Trung Quốc.

2/1/10

Ba danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam

NGUYỄN TRÃI



Năm 1989, sau hơn mười năm bị thu hút và miệt mài tìm kiếm, sáng tạo, nữ văn sĩ Yveline Féray đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết danh nhân lịch sử đồ sộ "Dix Mille Printemps" (NXB Julliard, F, 1989) về danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Trong cuốn sách đầy ý nghĩa này, bà đã mô tả sự sinh hạ của Nguyễn Trãi vào những năm 1380 như là đêm trở dạ của trời đất, đêm của một truyền kỳ. Vì ngày ấy, thực sự một thiên tài ra đời mà sau này tầm cỡ đã như một cây đại thụ văn hoá toả bóng mát xuống nhiều thế hệ sau của nước Đại Việt. Và cũng từ ngày ấy, ông ngoại Trần Nguyên Đán, một vị Đại tư đồ (tương đương chức Tể tướng) của triều Trần mới thể hiện hết tầm vóc nhân bản vĩ đại khi chấp nhận cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa một ông thầy dạy học Nguyễn Phi Khanh với cô học trò nhỏ Trần Thị Thái trong khuôn viên Nho giáo đời Trần.



Từ đấy, thừa hưởng gia tài tinh thần đồ sộ cao đẹp của gia đình và Tổ quốc, dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha và ông ngoại, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) lúc 20 tuổi và ra làm quan nhà Hồ. Nhưng đất nước nguy biến, giặc Minh xâm lược, bao cuộc kháng chiến nổ ra, trong im lặng suy tư, hơn mười năm tìm kiếm và chịu sự dày vò của một đấng nho học phải chọn lựa minh quân mà không bội phản triết thuyết của đời, tầm trí tuệ nhạy cảm đã đưa Nguyễn Trãi về với đội quân Lam Sơn và minh chủ Lê Lợi, và trở thành cố vấn đặc biệt của Lê Lợi.


Thế nhưng làm một minh sư thì có gì đáng nói, điều đáng giá vượt tầm thời đại và mang ý nghĩa vĩnh cửu là ông đã hướng cuộc chiến tranh về phía hoà bình vĩnh viễn. Binh đao vốn không hợp với thiên tính của một nhà thơ yêu hoà bình từ sâu thẳm tâm hồn, song bằng một trí tuệ của yêu thương, ông đã đem đạo đức đặt vào giữa lòng chiến tranh, đem tình thương để chiến thắng bạo tàn. Ông không muốn kẻ thù nuôi mầm ác trong lòng, không muốn họ mất đi thiện căn mà trả lại tinh thần cao đẹp cho họ, giúp họ thấy được sự bất công vô lí của sự xâm lược tương tàn. Đấy chính là đi trên Đại Đạo Tự Nhiên của Nhân Dân, một nhân dân luôn yêu nhân nghĩa và hoà bình. Chính vì thế, ông không chỉ là một bậc minh triết của Việt Nam mà của cả Phương Đông và nhân loại trong thời kì phong kiến nhiều bất công.

Hòa bình ! Ông lại trở về trong cái cao khiết của thanh bần và thực hiện một lí tưởng nhân đạo toàn thiện, toàn mỹ. Nhưng rồi, ông lại gặp kẻ thù ở trong chính những đồng chí tụ nghĩa ngày nào của mình, và ông phải cố gắng giữ gìn sự trung thực của một người luôn hành động vì sự sống nhân dân. Ông phải thực hiện sự cân bằng giữa niềm hy vọng giúp đời tận lực với nỗi thất vọng luôn chờ đợi phía trước cửa quan trường. Sống giữa đôi bờ thao thức, cánh chim hồng bay cao phân vân giữa hai chân trời : đi- về, nhưng lòng như ngọn lửa luyện đan vẫn nồng cháy một hoài bão duy nhất : vì Tổ quốc, vì nhân dân. Hành động - tranh đấu vì lẽ phải, và lập ngôn trước tác, vừa giải quyết những vấn đề sinh tử của đương đại, vừa hướng về sự bất tử, vĩnh hằng, ông viết : Lam Sơn thực lục, Dư địa chí...- những quốc thư của tương lai Việt Nam. Hơn 250 bài thơ ở Quốc âm thi tập, một bông hoa nghệ thuật chữ Nôm thuộc loại đầu tiên, ông đã để lại cho dân tộc "một nền thơ ruột rà và quen thuộc, một cái gì như là một Tổ quốc thơ" (Jacques Gaucheron), in dấu vân tay tài hoa và kiệt xuất của mình lên văn học đời đời.

Nhưng rồi ước vọng sụp đổ trước một triều đại phong kiến nhiều ganh ghét, quen thói "hết chim bẻ cung", ông bị kéo vào vụ án đau xót nhất trong lịch sử, vụ án Lệ Chi Viên, và bị lên giá nhục hình. Và từ đấy đầu thai lên những vì sao vĩnh cửu giữa bầu trời nước Việt, để lại trần gian một nền văn hoá Nguyễn Trãi. Năm 1980, 600 năm sau, ông tiếp tục trở thành sứ giả văn hoá của Việt Nam đưa thông điệp của dân tộc mình đến với nhân loại, bước vào ngôi đền văn hoá thế giới và trở thành DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI .

NGUYỄN DU











Ít có tác phẩm ngay khi ra đời cho đến mãi mãi về sau vẫn được nhân dân cả ước yêu chuộng như Truyện Kiều. Không phải chỉ yêu thích mà còn gửi gắm niềm tin. Niềm tin khẳng định sức mạnh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Niềm tin chia sẻ kinh nghiệm văn chương, nghệ thuật. Nhưng nhất là niềm tin về tình yêu và cuộc sống. Truyện Kiều đã là một bài ca tình yêu và là một cuốn sách Đời.

Một tác phẩm như thế đã là một công trình vĩ đại, một vinh dự tuyệt vời. Truyện Kiều là một tác phẩm có giá trị như một thông điệp cho con người giao cảm với thế giới vô hình, dạt dào xúc động, mơ màng như thực, ảo huyền mà minh bạch lạ lùng. Và cũng là một bản tổng kết cuộc đời, tổng kết nhưng là cáo trạng, cáo trạng về cuộc đời bao nhiêu nỗi thương tâm (bách niên đa thiểu thương tâm sự). Ở kia: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ! ". Ở đây lại là một "trường dạ tối tăm trời đất ! ". Tác phẩm ấy là bài Văn tế thập loại chúng sinh, với cái tên quen thuộc : Bài ca chiêu hồn.




Cả hai tác phẩm đó đều của chung một tác giả : Nguyễn Du. Đến nay, thời gian ra đời của các tác phẩm chữ Nôm, chữ Hán (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) đều chỉ bằng vào dự cảm khoa học. Truyện Kiều vẫn chưa tìm được bản in trước nhất. Cả ba tập thơ chữ Hán mới góp được hai trăm bốn chín bài, nhờ công sức sưu tầm của nhiều người.

Cuộc đời Nguyễn Du - tác giả của những thiên tuyệt bút ấy - không nhiều bí ẩn, không lắm giai thoại, nhưng luôn luôn đặt ra những câu hỏi không dễ dàng giải đáp. Quê cha ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê mẹ ở làng Hoa Thiều (nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), và nơi sinh lại ở phường Bích Câu - Thăng Long. Văn chương vượt hẳn người đời, nhưng học vị chỉ ở mức tam trường (tú tài) sau kỳ thi ở Sơn Nam (1783). Con người chuyên nghiệp thi thư mà biết cầm gươm, dạo đàn, thích đi chài, đi săn, và thích hát dân ca phường vải. Gia đình thuộc lớp quý tộc. Cha là Nguyễn Nghiễm, anh là Nguyễn Khản đều đỗ tiến sĩ, làm quan đến Tham tụng (Tể tướng) triều Lê.




Bố vợ là Đoàn Nguyễn Thục, cũng đỗ Hoàng Giáp, làm quan Đông các. Nhưng bản thân Nguyễn Du về đời sống vật chất lại quá nghèo nàn. Mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mẹ chết, suốt đời trai trẻ ăn nhờ ở đậu, hoặc ở nhà anh, hoặc ở quê vợ. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê - Trịnh sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng tiêu điều: "Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán ! ". Nguyễn Du trải qua mười năm gió bụi. Đến năm 1802, ông mới ra làm quan triều Nguyễn, được thăng thưởng rất nhanh, từ Tri huyện lên đến Tham tri (1815). Có được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc (1813). Nhưng gia cảnh vẫn bần hàn thiếu thốn: "Mười miệng đói kêu ngoài cõi Bắc - Một mình bệnh rụi góc thành Nam". Phải chăng do thực tế này mà nhà thơ cảm thông được với những nạn nhân trong xã hội ?

Không có tài liệu nào cho biết, Nguyễn Du nhận ai là người tri kỷ. Thơ ông nhắc nhiều nhất đến những người phụ nữ đau khổ, tủi hờn. Cô Cầm ở Thăng Long, cô Nguyệt ở Triều Khẩu, cô gái hầu ở nhà người em. Giai thoại có nói đến quan hệ của ông với cô gái lái đò, với tài nữ Xuân Hương một thời nào đó. Ông mất vì một bệnh dịch, ra đi không trối trăng gì.

Câu hỏi về Nguyễn Du còn được đặt ra ở nhiều bình diện. Đi tìm chứng cứ về ông, hậu thế luôn luôn gặp những băn khoăn. Gia phả chép một đằng, liệt truyện lại ghi theo đằng khác. Ông thật thà đi theo nhà Nguyễn hay ông về với Gia Long mà luôn luôn day dứt vì phụ nghĩa nhà Lê? Ông khư khư ôm mối cô trung mù quáng, hay ông cũng không hẳn vô tình với sự nghiệp của nhà Tây Sơn ? Ông là nho sĩ, thấm nhuần tam giáo, khuôn mình trong giới hạn thời đại với những lý thuyết về nghiệp báo, về mệnh trời ? Hay ông đã từng trong vô thức, dứt khoát với cái gốc nho gia Phật tử mà gắn bó với tầng lớp thị dân, tương tự như bao nhà văn phương Tây, cuộc sống thuộc về phong kiến, quý tộc mà tinh thần lại đi tiên phong cho cách mạng tư sản ? Những cuộc "đi tìm Nguyễn Du" hàng trăm năm nay vẫn luôn luôn phải quan tâm đến các vấn đề ấy. Mà hình như Nguyễn Du đoán trước được điều này. Đoán trước mà không nói. Chẳng thế mà ông đã viết:

Ngã hữu thốn tâm vô dư ngũ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
(Tấc lòng không nói cùng ai được,
Dưới núi Hồng Sơn biển Quế sâu!).

Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà Nguyễn Du trở nên khó hiểu. Có những điều phải tìm tòi, nghiên cứu, tranh luận gần xa. Nhưng Nguyễn Du vẫn đến với nhân dân bao đời nay trong cả một bầu tâm sự cảm thông sâu sắc. Đó là một khát vọng của nhân cách tạo nên trong sóng gió của đời, thấm nhuần bản chất của nhân dân, của dân tộc. Đó cũng là một con người nhân bản, tự phần sâu kín nhất, đau nỗi đau bãi bể nương dâu mà đòi lên án chế độ bạo tàn, đòi cho con người có hạnh phúc, tình yêu, tự do và công lý. Đó cũng là một ngòi bút phanh phui được thế lực đồng tiền, vạch trần những kẻ "nhai xé thịt người mà không lòi nanh vuốt". Đó cũng là một tài năng sáng tạo bậc thầy, đã có bút pháp nghệ thuật điêu luyện : xây dựng nhân vật điển hình, điều khiển ngôn ngữ nhạc điệu, tạo cho cấu trúc tác phẩm dồi dào chất kịch, truyền cho hình tượng tác phẩm đậm đà chất thơ. Không phải chỉ ở Truyện Kiều mà cả ở thơ chữ Hán, thơ Nôm của Nguyễn Du đều thấy chỗ đậm, chỗ nhạt những yếu tố hoặc biểu hiện của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực trong văn học. Vinh dự của Nguyễn Du trong địa hạt này còn vượt khá nhiều tác giả xưa nay. Chỉ riêng với một Truyện Kiều, văn học nghệ thuật Việt Nam trở nên thêm phong phú. Ca nhạc dân gian có giọng "lẩy Kiều". Sân khấu dân gian có "trò Kiều". Hội họa có nhiều tranh Kiều. Và Truyện Kiều từ xưa đến nay đã là đầu đề của nhiều trang bình luận và bút chiến. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Tuồng Kiều, phim Kiều xuất hiện. Và tiếng nói hằng ngày của nhân dân có thêm nhiều thành ngữ rút từ Truyện Kiều. Kiều đi vào mọi nẻo đ­ờng sinh hoạt : "Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy; Ra chiến trường vẫn thấy tiếng Kiều ngân" là như vậy.

Năm 1965, Nguyễn Du được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức làm lễ kỷ niệm. Hội đồng Hòa bình thế giới ghi tên ông trong danh sách những nhà văn hóa quốc tế trên trái đất này. Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở Tiên Điền. Trường viết văn để đào tạo những cây bút mới mang tên Nguyễn Du. Chúng ta đã có nhiều sách chú giải, nghiên cứu Đoạn trường tân thanh, có Từ điển Truyện Kiều, có tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ. Nhưng vấn đề "Nguyễn Du và Truyện Kiều" thì đến bao giờ cho hết ? Cuộc đi tìm Nguyễn Du sẽ mãi là những gắng công của nhiều thế hệ. Ta cần có thơ Nguyễn Du trong cuộc đời, cần có tình Nguyễn Du trong sự sống, nên càng cần hiểu biết về ông. Nỗi sầu của ông mênh mông, tấm lòng của ông rộng lớn, ngòi bút của ông thần kỳ, chính ông cũng không nhận ra mà vẫn chờ đợi những ứng đáp của nhiều thế hệ hậu sinh tri kỷ :

... Hận xưa khôn hỏi trời già,
Nỗi oan phong vận mình ta buộc ràng,
Ba trăm năm lẻ mơ màng...
Biết ai hậu thế khóc chàng Tố Như ?



CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH



"Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai...

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương"

ÔXÍP MANDENXTAM, 1924

"Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người".

"Hồ Chí Minh kết hợp chất anh hùng và đạo lý (...), ông luôn luôn là một thứ Gandhi mác-xít... đại diện cho triết lý Á Đông"

GIĂNG RU

" Hồ Chí Minh là một trong số các nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta - pha trộn một chút Gandhii, một chút Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Chắc chắn là hơn hẳn bất cứ nhân vật nào của thế kỷ này, Người là sự hiện thân sinh động cho Cách mạng của dân tộc Người và của toàn thế giới".

ĐAVÍT HAMBECXTAM

" Đó là một người cộng sản theo lý tưởng... Tôi thấy ông dường như luôn luôn chịu ảnh hưởng của tác giả lớn của ông là Mác, chắc chắn là cả Lênin nữa... Nhưng trong ông có Giô-rex... Ông là người đã chọn chủ nghĩa cộng sản, đúng thế, nhưng có một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc... Tôi cho là trong thế giới cộng sản, chắc chắn ông là một trong những người chấp nhận cách mạng cộng sản chủ nghĩa, phải !... Nhưng trong tự do"

ETMÔNG MISƠLÊ

" Xét thấy sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống của văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau".

Nghị quyết của UNESCO

" Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau. Người đã hoàn thành được nhiệm vụ này và trong việc làm và lời nói của Người, ta có thể nhìn thấy rõ hình ảnh, tư tưởng của nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời của Người mang ảnh hưởng của những giá trị và truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".

Tiến sĩ M.AMÉT
Giám đốc UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương

" Để hiểu ý nghĩa của bản Nghị quyết của UNESCO, tôi hình dung Hồ Chí Minh là người đem lại ánh sáng, ánh sáng văn hóa, ánh sáng cách mạng cho nhân dân ta và góp phần đem lại ánh sáng cho nhân dân nhiều nước khác, để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức...

Sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã huy động sức mạnh của truyền thống 4000 năm văn hiến của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Sự nghiệp đó trả lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa Việt Nam, cũng là một sự nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, từng bước tiến lên thanh toán chủ nghĩa thực dân, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử và trong nền văn hóa của loài người.

Sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đem đến cho kho tàng văn hóa thế giới những giá trị lớn, thể hiện khát vọng của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và phát triển sự hiểu biết với các dân tộc khác".

"... Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và của loài người, với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn gắn liền với nhà nhân văn lớn, phát huy truyền thống của một dân tộc "văn hiến".

Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn, vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, làm sáng lên một chủ nghĩa nhân văn trùng với những ước mơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam và các dân tộc, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người".

"... Đổi mới và văn hóa quan hệ mật thiết với tư tưởng Hồ Chí Minh như hình với bóng... Nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu"

Cố thủ tướng PHẠM VĂN ĐỒNG

" Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của của người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa".

"...Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, nhưng cũng rất coi trọng văn hóa. Văn hóa là sức mạnh cơ bản của mọi dân tộc, của mỗi một con người. Dân tộc Việt Nam đã từng bị đô hộ 1000 năm, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, vì Việt Nam giữ vững được dân chủ ở cơ sở, xóm làng, giữ được nền văn hóa truyền thống lâu đời.

Bác Hồ, văn hóa là sự kết tinh văn hóa nghìn năm của đất nước Việt Nam trên cơ sở đổi mới, kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa của nhân loại, tinh hoa của Sếch-spia, Vích-to Huy-gô, Lỗ Tấn, v.v...tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin...

Bác Hồ là nhà văn hóa kiệt xuất, là sự kết tinh tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam và phần nào đó là tinh hoa văn hóa của nhân loại."

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP