4/2/13

Người trẻ và 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời


Trong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời "thăng hoa" như mong muốn và ngược lại.
Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bởi họ có cả một tương lai phía trước đang chờ đợi, mà việc đưa ra những lựa chọn đúng được sớm chừng nào lại khiến tương lai ấy rõ ràng hơn chừng đó.
1. Chọn LẼ để SỐNG
Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”.
Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) - được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời chúng ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của họ nhiều khi sẽ rất uổng phí hoặc vô cùng bi kịch. Con người sinh ra vốn dĩ là lương thiện, nhưng chọn lẽ sống khác nhau thì sẽ có những con người khác nhau, cuộc đời khác nhauvà số phận khác nhau.

2. Chọn NGƯỜI để LẤY

Phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào. Tình yêu là một phạm trù hoàn toàn mang tính cảm xúc nhưng hôn nhân lại có cả yếu tố lý trí. Lấy vợ, lấy chồng thì có lẽ ai cũng làm được (chỉ trừ những người không thèm lấy hoặc không tìm được người phù hợp). Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm cho mình được một người vợ, người chồng, và đồng thời cũng là một người bạn đời!
Người ta hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỷ...) thì chọn bạn đời là khó nhất. Khi chọn bạn đời, điều kiện cần là tình yêu thương nhưng quan trọng hơn là cả hai phải chia sẻ được lẽ sống và hệ giá trị suốt cả cuộc đời. Có thể khi cưới nhau, vợ chồng chưa thực sự là bạn đời, chưa xác định rõ lẽ sống, chưa có chung một hệ giá trị nhưng họ sẽ cùng thay đổi nhau và thay đổi chính mình để không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thăng hoa!
3. Chọn VIỆC để LÀM
Thực tế cho thấy đang có xu hướng chọn nghề và đổi nghề theo “mốt”. Nghề nào được gắn mác “thời thượng” là giới trẻ đổ xô vào tìm “vận may”. Thậm chí khi đã thành công với một nghề nào đó thì phần đông lại cùng tìm đến một nghề, đó là nghề chính trị. Thực ra, xã hội có nhiều đỉnh chứ không chỉ có một đỉnh là quyền lực: Trở thành một chính trị gia tài ba là một đỉnh; trở thành một nhạc sĩ lớn cũng là một đỉnh; trở thành một bác sĩ giỏi cũng là một đỉnh, trở thành một kiến trúc sư danh tiếng cũng là một đỉnh... Thực ra, làm một bác sĩ giỏi vẫn tốt hơn là làm một viện trưởng tồi, làm một giáo sư giỏi thì quan trọng hơn là làm một hiệu trưởng kém.
Thực ra, làm sếp hay làm lính, làm thầy hay làm thợ, làm quan hay làm dân, làm chủ hay làm thuê... đều không quan trọng, mà quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất (cả giá trị tài chính và giá trị xã hội).
Bên cạnh chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp để làm,chúng ta cũng cần tìm cho mình một nơi làm phù hợp để gắn bó (công ty, tổ chức nào, ngành nào,lĩnh vực nào, vùng miền nào...). Điều này rất quan trọng vì công việc không chỉ là chỗ để đóng góp, mưu sinh mà còn là nơi để học tập và phát triển. Ngày nay, người ta bị ảnh hưởng bởi chính nơi mình làm việc nhiều hơn là nơi mình học. Cũng đều tốt nghiệp một trường đại học, đều học giỏi như nhau nhưng sau mấy năm ra trường sẽ có 2 cuộc đời khác nhau, 2 tương lai khác nhau mà nguyên nhân là vì đã có 2 lựa chọn về công việc khác nhau.
4. Chọn THẦY để HỌC
Sự học luôn là một trong những “sự nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Dưới đây là 5 “người thầy” gần gũi và hữu ích nhất:
Thầy
Đây là những người thầy bằng xương bằng thịt, trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy thì có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng là vậy.
Sách
Sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn tri kỷ, luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng chúng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Chúng ta có thể đưa những người thầy vĩ đại nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy cho mình, bất kể thời điểm nào mà chi phí nhiều khi chỉ bằng... tô phở.
Tuy nhiên, không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách.
Kinh nghiệm
Trên đời này có những cái mà không trả giá thì không thể học được, nhưng cũng có những cái không cần trả giá cũng có thể học được. Cuộc đời chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, vấn đề là sau mỗi thất bại thì cần phải rút ra được những bài học để những thất bại tương tự không còn tái diễn trong tương lai. Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời. Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ 2 “người thầy” đầu tiên (thầy và sách).
Nhân vật
Họ có thể là các bậc thức giả (để chúng ta học tri thức) hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội (học tinh thần, ý chí). Chính những câu chuyện thành công, thất bại, những trải nghiệm, tư tưởng, tài năng và nhân cách của họ sẽ là bài học quý giá cho mình trên con đường tự khai sáng bản thân mình và những người quanh mình.
Tuy nhiên, phải có năng lực thẩm định, biết mình là ai, biết ai là ai, cái gì là cái gì, nếu không thì sẽ vô cùng nguy hiểm, người đáng khinh thì lại trọng, người đáng trọng lại khinh.
Internet
Được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm cho cả nhân loại thay đổi một cách sâu sắc và khác biệt hẳn so với những thời kỳ trước đó, Internet thực sự là công cụ hữu hiệu cho sự học của mỗi người. Thời đại Internet hình thành 2 loại người: “Công dân mạng” và “Sâu mạng”. “Công dân mạng” là những người sử dụng Internet như một công cụ để nâng cao kiến thức của mình, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Còn “sâu mạng” là những kẻ phung phí phần lớn thời gian, sức lực của mình vào những trò tiêu khiển trên mạng hoặc phá hoại, có thể có “sâu cuốn lá” (game online), “sâu đục thân” (coi phim sex), “sâu chat” (tán chuyện gẫu); “sâu phá hoại” (hacker mũ đen)... Là “công dân mạng” hay “sâu mạng”, đó cũng là một lựa chọn quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này.
5. Chọn BẠN để CHƠI
Nói đến con người là hàm ý tới con người xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, và cũng chính những mối quan hệ đó định hình chân dung một người. Chẳng hạn, phương Tây có câu: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Còn ông bà mình, khi nhận xét về một người hoặc một nhóm người nào đó thì thường nói: “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (ngoại trừ một số ít người quá đặc biệt, quá cá tính thì gần mực sẽ không đen, mà gần đèn cũng chẳng sáng).

Trong đời người, ngoài người bạn quan trọng nhất là bạn đời thì cần phải có bạn tâm giao, bạn thâm giao, thậm chí là bạn tri kỷ, chứ không phải chỉ có những người bạn hời hợt, quen biết xã giao, ngoại giao. Họ là những người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ một hệ giá trị và những lý tưởng sống, giá trị sống. Dẫu vậy, họ có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Có thể nói bạn bè chính là “tài sản” của mỗi người (“Giàu vì bạn, sang vì vợ”), là nguồn chia sẻ, động viên, hỗ trợ khi cần thiết. Song, như thế không có nghĩa là tận dụng bạn, lợi dụng bạn. Ngược lại, chơi với bạn cần phải xác định là để giúp bạn cùng phát triển và tiến bộ. Một tình bạn nếu được xây đắp trên tinh thần như vậy thì sẽ vô cùng bền vững và tốt đẹp.
Chọn Lẽ để sống là chọn “đích đến” và “bánh lái”, là chọn “hệ điều hành” cho cuộc đời;
Chọn Người để lấy là lựa chọn cho mình một gia đình, một tổ ấm, một nơi chốn bình yên để đi về, để là “bệ phóng” của nhau trong cả cuộc đời;
Chọn Việc để làm là chọn cho mình một sự nghiệp, để hiện thực hóa giấc mơ cuộc đời;
Chọn Thầy để học là chọn những nhân vật hoặc phương cách để trang bị cho mình những hiểu biết và năng lực để hoạch định và thực thi chiến lược cuộc đời;
Chọn Bạn để chơi là kiếm tìm và nuôi dưỡng những tình bạn đẹp nhằm làm giàu có thêm cho cuộc đời của mình. Tất cả những lựa chọn quan trọng này cần phải được đặt ra và thi triển hết sức nghiêm túc, để những câu hỏi ở đầu bài: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi đâu về âu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình ào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao?... được trả lời một cách trọn vẹn. Bằng cách đó người trẻ sẽ có một cuộc đời đáng sống, như có thể đúc kết thành: “Your Choices, Your Life” (Lựa chọn của bạn quyết định cuộc đời của bạn), “Your Values, Your Fate” (Giá trị bạn chọn sẽ quyết định số phận của bạn”).
Giản Tư Trung

4/2/12

Lý Khai Phục - Cái tát vào chủ nghĩa lãng mạn tuổi trẻ

Đàn ông-nếu đã 20, nếu chưa 25

Tác giả: Lý Khai Phục từng là Phó tổng giám đốc Microsoft toàn cầu trong thập kỷ 90, rồi đảm nhận Phó tổng giám đốc Google châu Á năm 2005. Ông sinh năm 1961 tại Đài Bắc, thường gây sóng gió bởi những phát ngôn sáng suốt nhưng ngôn từ trần trụi khó nghe.

Nếu bạn là đàn ông, nếu bạn đã hai mươi, nhưng bạn chưa hai lăm tuổi, bạn buộc phải tìm được một thứ gì đó ngoài tình yêu, giúp đôi chân bạn đứng vững vàng trong cuộc đời này. Bạn phải bắt đầu nghĩ cách để kiếm ĐỦ và sống ĐƯỢC.

Tôi chưa từng bao giờ nghĩ bằng cấp là thứ quan trọng, thiên tài với danh nhân đâu phải từ lò luyện và trường lớp mà ra. Nhưng nếu bạn không học tới nơi tới chốn, thì dù có đi làm cửu vạn, ngay cả bao cát cũng sợ rằng chẳng biết cách mà vác.

Bạn buộc phải làm cho những suy nghĩ văn vẻ và cảm xúc màu mè thị dân của mình dần trở thành lối tư duy sáng sủa, rõ ràng và những ngôn từ giản tiện ngắn gọn. Bởi những thứ màu mè và bồng bột sẽ không thể tồn tại lâu. Bạn phải biết rằng, những sự thích thú khi khi đọc văn hay, nghe lời bay bướm mang lại sẽ chẳng mấy giá trị, trong khi thứ quan trọng nhất lại nằm ở trí tuệ, tinh thần, tâm hồn, nội dung, tư duy của bạn.

Là đàn ông, làm ơn đừng đọc văn của những nhà văn nữ cùng thời với bạn.

Là đàn ông, làm ơn đừng trách người khác, đừng nhỏ nhặt, làm ra vẻ đáng thương.

Làm ơn đừng nghĩ đến cái gì là viết về cái đó.

Và chớ tiếc rẻ đôi chút cảm động bé nhỏ, đôi chút thương xót nhỏ nhoi.

Bạn phải tin vào cái đẹp, tin vào hơi ấm, vào lòng tin con người, sự tự trọng của mỗi người, bạn hãy giữ gìn những phẩm chất xưa cũ này. Tôi không muốn bạn bốc đồng, vô vị, mù mờ, chà đạp chính mình và làm thương tổn người khác. Bạn không nên nhào nặn đời bạn thành một đống hỗn độn tổng hợp đủ thứ.

Khi bạn thay đổi con người bạn, hãy cố nâng niu những giá trị bản thân, cho dù bạn biết rõ, không phải ai cũng ưa những gì bạn đang có.

Làm ơn đừng chấp nhận thỏa hiệp với những con người đang ngụy trang là họ thức thời, cấp tiến. Họ chỉ là những kẻ vô công rồi nghề đang tìm cách biện minh cho sự thua kém của bản thân họ. Sự mạnh mẽ, bản lĩnh đàn ông nằm ở tận trong trái tim bạn, bạn có sức mạnh và vẻ đẹp từ trong tim, từ niềm tin mà dù thời gian và tuổi trẻ có trôi qua cũng không khuất phục được.

Bạn không có quyền ngồi trong cái tháp ngà của trường học, rồi bảo tôi yêu thế giới này tươi đẹp. Bạn phải nhìn thấy cái đen tối của thế giới, sự bẩn thỉu của cuộc đời, sự xấu xa của con người, sau đó mới nói rằng tôi vẫn yêu thế giới này, tôi vẫn yêu cuộc sống và tôi sống.

Tuổi trẻ ngắn ngủi thế, nhưng đừng sợ tuổi già.

Đôi khi, bạn có thể dừng lại nghỉ ngơi, nhưng đừng quỳ xuống.

Khi đi một con đường, bạn chớ ngoái đầu nhìn lại, hoặc tự hỏi, mình đang làm cái gì?

Khi đau và nhục, đàn ông có thể khóc và gào. Khóc đi, rồi rửa mặt, vỗ má mình, rồi áp má mình để trên gương mặt bạn có một nụ cười. Chứ bạn đừng dụi mắt hay lấy tay lau nước mắt. Bởi có thể sớm mai bạn sẽ mang một đôi mắt trũng và sưng vì khóc. Chớ để sớm mai ai cũng nhận ra bạn từng khóc.

Đàn ông hãy xác định cho mình một mục tiêu xa hơn và một lộ trình dài hơn. Hãy nhớ thỉnh thoảng ngửa đầu nhìn trời xanh, và lúc nhìn lên trời xanh hãy nhớ cúi xuống nhìn đất dưới chân mình.

Vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ người nào hỏi bạn, bạn yêu mấy lần, đáp án của bạn phải luôn là Hai.

Một lần, cô ấy yêu tôi nhưng tôi không cảm xúc, một lần là tôi yêu cô ấy nhưng không được đáp lại. Hãy luôn nhớ rằng, tình yêu đẹp vẫn luôn đang đợi bạn ở lần yêu sau. Nên đừng luyến tiếc, đừng để một người đàn bà nào có cơ hội làm bạn bị tổn thương tới lần thứ hai.

Làm đàn ông, đừng giao du với văn nghệ sĩ hay bọn văn sĩ trẻ, cũng như đừng làm bạn với những kẻ bất đắc chí, thiếu tâm huyết với đời, cũng tuyệt đối không được bạn bè với những người đàn ông không có nghề nghiệp chính thức, kiêm quá nhiều nghề.

Cũng đừng yêu người phụ nữ nào hy sinh vì bạn. Khi có một cô nàng tự chà đạp bản thân nàng, tự hy sinh, tự chịu thiệt vì bạn, bạn chớ nên vì thế mà cảm động hoặc yêu kẻ lụy tình ấy. Bởi một người đàn ông nghiện hút trộm cắp đầy mình thân với bạn, có thể kẻ nghiện hút trộm cắp tiếp theo sẽ là chính bản thân bạn. Tình yêu cũng tương tự như vậy, khi một người phụ nữ vì yêu mà cầm dao cứa tay mình đau, có thể kẻ tiếp theo bị nàng cứa chính là bạn.

Không bao giờ đặt niềm tin vào một gã đàn ông chỉ định giao du với mình bạn chứ không cho bạn biết hắn đang chơi bời với những bạn bè nào khác.

Khi một cô nàng định gọi bạn là “anh yêu, baby, chồng yêu ơi”, bạn hãy bắt buộc cô nàng gọi bạn bằng tên bạn, bởi bạn là một người đàn ông, bạn không phải thú cưng của ai.

Khi một người đàn ông hoặc một người đàn bà tự nhiên không tới tìm bạn nữa, bạn hãy dứt khoát đừng gọi tới làm phiền họ.

Đừng tin những kẻ dùng tiểu xảo trong tình yêu. Và đừng ác miệng sau khi chia tay người tình. Nghe lời khuyên của người khác, nhưng đừng hối hận, bởi hối hận chưa từng mang lại cho đàn ông bất cứ thứ gì hay ho.

Đàn ông thì không xé ảnh, đốt thư, xé nhật ký, làm những việc mà chỉ diễn viên ba xu trên phim truyền hình mới làm. Bởi bạn tin vào tình yêu. Tin rằng trên đời vẫn còn những người đàn ông tốt và những người phụ nữ tốt đẹp, có thể họ cũng chưa kết hôn, họ cũng vẫn đang vượt trùng trùng biển người trong đời để tìm đến bạn. Nên đừng nói những câu đại loại như: “Thời này làm gì có đàn bà tử tế” hoặc “Làm gì có đàn ông tốt!”. Những câu như thế thường làm người ta hiểu rằng, bạn đã no xôi chán chè, hời hợt với vô số người, vơ đũa cả nắm và không hề sống nghiêm túc, chưa trưởng thành.

Hãy yêu tiền, yêu vật chất, dùng tiền để sống cho ra sống. Nhưng vẫn hiểu rằng những giá trị tinh thần cũng quan trọng biết bao. Và con người bạn, một người đàn ông đầy sức sống, háo hức sống vẫn luôn có giá trị và đẹp đẽ hơn những đồng hồ hàng hiệu, thời trang, phụ kiện sành điệu bạn đang mang. Nếu đã hơn hai mươi tuổi nhưng mỗi phút bạn sống, bạn vẫn phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, thì những tiền bạc bạn có, đồ hiệu bạn mặc chỉ làm cho sự vô liêm sỉ của bạn nổi bật hơn mà thôi. Nên đồ hiệu không làm bạn có giá hơn. Bản thân người đàn ông không có giá trị bản thân, thì dù có bọc vàng, được bố mẹ nâng đỡ sự nghiệp chức này tước kia, cũng vẫn chỉ là một kẻ ăn bám bọc vàng. Một con lừa dù có đóng yên cương vàng khối cũng không thể trở thành tuấn mã.

Bạn còn trẻ, có thể chưa đủ tuổi để bắt đầu một sự nghiệp riêng, một tương lai huy hoàng. Nhưng bạn đã đủ tuổi thành niên, nên ít nhất, cũng không thể làm một cái gánh nặng đeo trên lưng bố mẹ, để bố mẹ mất hai mươi năm nuôi dạy, cái gánh nặng đã sống ký sinh trên lưng chỉ nặng thêm và nhiều đòi hỏi hơn.

Bạn đừng tưởng bạn trẻ, bạn làm một kiểu tóc có màu khác người, mặc một bộ quần áo dở nam dở nữ Unisex, rồi phun lên người một thứ mùi nước hoa, thì người khác sẽ tôn trọng bạn. Cái ngước nhìn của người khác không mang ý trầm trồ ngưỡng mộ, mà là cái nhìn khi đi ngang qua sở thú. Rất nhiều đàn ông khác chỉ bởi họ được giáo dục tốt nên họ sẽ không bày tỏ thái độ gì với bạn đâu, họ sẽ tôn trọng sự “cá tính” của bạn, nhưng không có nghĩa rằng, họ không nhận ra sự xấu xí của người đàn ông trước mặt.

Xin bạn đừng coi rẻ những người lao động nghèo. Đừng xấu hổ vì phải làm việc nặng nhọc. Đất không bẩn, mồ hôi không hôi hám. Xin hãy tôn trọng những người có thể không giàu bằng bạn, nhưng họ đang nuôi cả gia đình bằng đôi tay lương thiện và cần cù của họ. Bạn tôn trọng họ, bạn mới biết giá trị của bạn nằm ở đâu.

Làm đàn ông, hãy tha thứ, nhưng đừng quên. Và hãy khoan dung với cả thế giới cũng như với chính bản thân bạn. Để luôn tự nhủ rằng, ta là đàn ông, ta xứng đáng để có được những thứ tốt đẹp hơn.

Lý Khai Phục

(Trang Hạ dịch)

8/21/11

Thương Mẹ Thanh Chương

Em hẹn anh về thăm Thanh Chương
Nhưng lụt lớn mần răng mà về được
Nước mênh mông, nhiều đoạn đi bằng nôốc*
Thèm nhút, thèm cà đành hẹn lần sau

Em nhớ ngày xưa mẹ bảo :
Chịu thương, chịu khó, mẹ sẽ nhận làm dâu
Muối nhút, muối cà từ từ mẹ dạy
Con nhà giáo tay không quen liềm, hái
Cứ về rồi mai mốt học sau !

Em đỏ mặt dạ mẹ một câu
Rồi nắm áo kéo anh ra hái ổi
Anh khoái chí cười, còn em giận dỗi
Ngừi ta đạ chi mô mà dám nói ?.. Ghét không !...

Anh gõ trán em, lớn rồi phải lấy chồng
Cứ chảnh chẹ coi chừng ê sắc ế
Em phụng phịu chạy vào nhà méc mẹ
Mẹ cười hiền "bay thật giống trẻ con"

Mẹ gấm, mẹ sàng, thóc gạo chạy vòng tròn
Gạo tuôn xuống, thóc nhón đều tay mẹ
Gấm, gãy, dần, sàng... mẹ ơi khó thế ?!...
Mẹ đứng cười, con không biết làm nông

Lâu lắm rồi em không về Thanh Chương
Ăn nhút, ăn cà từ tay mẹ muối
Mấy hôm rồi gió mưa, lụt lội
Thương câu : Mẹ nghèo con có chịu làm dâu ?!...

Anh xa quê, hai đứa xa nhau
Trong kí ức em dâu hiền của mẹ
Chiều nay anh về, cho em gửi lời anh nhé
Thương lắm quê nghèo, thương mẹ - Thanh Chương !...

VT, 07/11/2008, Lê Tùng Anh

7/29/11

Giá trị đích thực của một con người theo quan điểm của Albert Einstein

Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi: anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.
Về của cải
Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.
Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?
Cộng đồng và cá thể
Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rơi một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.
Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tùy theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.
Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ nhận thấy rằng, trải qua bao thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước.
Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.
Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hóa Hy-Âu-Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hóa thời Phục hưng ở Ý - thời chấm dứt đêm trường trung cổ ở châu Âu - đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng.
Bây giờ, hãy nhìn vào thời đại chúng ta đang sống! Cộng đồng được nhìn nhận ra sao, còn cá thể thì thế nào? So với thời trước, mật độ dân số ở các nước văn minh hiện quá cao; châu Âu hôm nay chứa một lượng người lớn gấp ba lần cách đây một trăm năm. Nhưng tỉ lệ những người có tư chất thủ lĩnh lại giảm sút. Chỉ có một số ít người, nhờ thành tựu của mình, nổi lên trước đám đông như một nhân cách. Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học.
Đặc biệt nhạy cảm, sự thiếu hụt cá tính trong lĩnh vực nghệ thuật đang lộ rõ. Hội họa và âm nhạc xuống cấp trông thấy và đang đánh mất ghê gớm sự cộng hưởng trong công chúng. Trong chính trị, không chỉ thiếu người cầm lái mà sự độc lập tinh thần cũng như ý thức về lẽ phải của dân chúng cũng giảm sút khủng khiếp. Chế độ dân chủ nghị trường , chế độ vốn lấy sự độc lập nói trên làm điều kiện tiên quyết, đang bị chao đảo ở nhiều nơi; các chế độ độc tài xuất hiện và được dung dưỡng, bởi ý thức về danh dự và quyền cá nhân không còn đủ mạnh nữa. Chỉ trong hai tuần, vì báo chí, đám đông mù quáng ở một quốc gia nào đó có thể bị làm cho giận dữ và kích động đến nỗi những người đàn ông sẵn sàng khoác áo lính để đi giết người và bị giết vì những mục đích chẳng lấy gì làm cao quý của những thế lực nào đó. Nghĩa vụ quân sự với tôi là dấu hiệu nhục nhã nhất về sự thiếu hụt phẩm giá cá nhân, sự thiếu hụt mà vì nó, nhân loại văn minh của chúng ta đang quằn quại. Chẳng thế mà không thiếu những nhà tiên tri, những kẻ dự báo ngày tàn của nền văn minh chúng ta đang đến gần. Tôi không thuộc số những kẻ bi quan này; tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đây tôi muốn biện giải cho lòng tin ấy một cách ngắn gọn:
Theo ý kiến của tôi, những biểu hiện suy tàn hiện nay bắt nguồn từ chỗ: sự phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề. Nhưng mặt khác, kỹ thuật phát triển lại giúp cá nhân ngày càng phải lao động ít hơn mà vẫn thỏa mãn được các nhu cầu chung. Việc phân công lao động có kế hoạch đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cấp thiết, và việc phân công này sẽ mang lại sự bảo đảm về vật chất cho từng cá thể. Sự bảo đảm này, cũng như sức lực và thời gian dư ra của các cá thể, sẽ là một lợi thế cho sự phát triển nhân cách. Cộng đồng nhờ thế sẽ khỏe mạnh trở lại, và chúng ta hãy hy vọng rằng, các sử gia tương lai sẽ nhìn những biểu hiện bệnh tật của thời đại chúng ta như chứng cảm cúm của trẻ con , chứng cảm cúm của một nhân loại đang vươn mình lên cao - mà tất cả chẳng qua cũng do tốc độ chuyển đổi quá nhanh mà ra.
Trích ra từ cuốn: Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein

1/21/11

Tản mạn về cuộc sống

Ai cũng biết cuộc sống là quý giá và đời người chỉ có một lần. Nhưng không phải ai cũng thấy cuộc sống là tươi đẹp và đáng sống. Điều đó còn tuỳ thuộc vào thái độ và mục đích sống của mỗi người.

SỐNG ĐỂ LÀ GÌ?

Có thể bạn trả lời ngắn gọn, chung chung: Mục đích cuộc sống là thành công và hạnh phúc. Có bạn liệt kê hơn cả trang giấy với tất cả những đòi hỏi từ tiền bạc, tài sản, sức khoẻ, danh tiếng để thoải mái, sung sướng… Có bạn cao thượng : Sống không nên tham lam và ích kỷ, sống để làm theo lý tưởng, để giúp đỡ người khác và mang hạnh phúc đến cho mọi người… Như vậy, tùy vào hoàn cảnh và mục tiêu riêng, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau và câu trả lời đó sẽ còn tiếp tục thay đổi. Cho nên, bạn hãy sống như bạn cảm thấy là đúng đắn và hãy đi đến những miền mà trái tim bạn chỉ lối, như vua hài Charlie Chaplin từng nói : “Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay”.

NHỮNG ĐIỀU LÃNG PHÍ NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI

Sức khoẻ: Lúc trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề nên họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống vô điều độ… Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm người ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “ không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn!

Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

Tuổi trẻ: Là quảng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao, vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

Cơ hội: Cơ hội là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.

Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.

5 VIỆC CỦA ĐỜI NGƯỜI

Việc thứ nhất: Đọc kỹ một cuốn sách. Sách hay có thể làm rung động trái tim của bạn.

Việc thứ hai: Nắm vững một nghề. Giỏi một nghề sẽ làm cho cuộc đời bạn thiết thực hơn và cũng đủ để nuôi sống gia đình bạn. Đừng xem nhẹ những việc nhỏ mọn. Nhỏ nhưng độc đáo cũng trở thành có giá trị.

Việc thứ ba: Có một gia đình hoà thuận. Người xưa nói : “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Với số đông trị quốc bình thiên hạ hơi xa xôi, nhưng xây dựng một gia đình hoà thuận là có thể làm được và hiện thực hơn rất nhiều.

Việc thứ tư: Luôn mang những tình cảm tốt đẹp trong lòng. Chỉ cần lòng ta trong sáng thì thế giới này mãi mãi tràn ánh nắng mặt trời. Mà biện pháp duy nhất làm cho lòng được trong sáng là có một trái tim biết yêu, trong trái tim đó chỉ chứa đựng tình cảm tốt đẹp mà thôi.

Việc thứ năm: Làm một người tốt. Đừng coi việc thiện nhỏ mà không làm, đừng coi việc ác nhỏ mà làm. Làm nhiều việc tốt nhỏ nhỏ dần dần sẽ trở thành người tốt. Thế giới này có thể không cần nhiều anh hùn, nhiều thiên tài, nhưng rất cần những người tốt.

Làm tốt những việc bình thường trên đây, cuộc đời bạn sẽ phát ra thứ ánh sáng kỳ diệu. Có thể cuộc đời bạn không oanh liệt nhưng lòng bạn chân thành , tất cả những việc cần làm bạn đã làm đủ, bạn đã sống đúng với mình và với cả thế gian này.

14 ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí

9/17/10

Ở xứ hạnh phúc

Nghe bản nhạc này:


TTCT - Có một cái xứ hiền khô chỉ biết ngồi yên không cựa quậy nhúc nhích tới nỗi người ta tưởng là nó giả chết. Nó cũng là một cái xứ dễ thương, một cái xứ sung sướng nhất trong cái đám những xứ sung sướng.

Công dân ở xứ đó ra sức làm lụng quần quật, quần quật không biết mệt, không biết cho ai hưởng. Cả đời nai lưng trong một công việc không thấy kết quả, chẳng khác gì kẻ múc nước đổ vô một cái thùng lủng lỗ, đổ hoài, đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra hết không thấy đầy.

Thành thử chẳng bao giờ họ được đi dạ hội, được bước vô rạp hát, được nghe hòa nhạc, được coi xinêma, được lai vãng tới chốn lầu xanh. Thiệt là cái xứ có nhiều đức hạnh. Như có điều độ: ở đó người ta chỉ ăn cơm với một chút rau luộc và chỉ uống nước ao. Như cần kiệm: ở đó người ta tiêu xài rất ít bởi vì trong túi có xu teng nào đâu mà tiêu xài. Như an phận thủ thường và bằng lòng với số phận: bởi vì hình như ở xứ đó người sung sướng hơn ai hết là người ăn mặc quần áo rách rưới tả tơi. Như biết vâng lời, phục tùng, biết cố sức chịu đựng như mấy con lừa, bị người ta mang giày tây đá đít hay lấy baton đánh vô đầu mà không dám hó hé một câu. Và lúc nào cũng chạy theo củ cà rốt của tên cưỡi ngựa ở phía trước đưa ra nhử để giễu cợt.

Ở đó đức hạnh, đức hạnh nhiều vô số kể! Làm như khoa học là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tiền bạc là nguyên nhân của mọi tật xấu, nên ở đó các loại tri thức đều bị cấm và của cải trong công quỹ thì đem ra phung phí tự do. Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước...



“...Chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè”.

NGUYỄN AN NINH



...Bạn đọc đừng tưởng đó là một xã hội thụt lùi, quá lạc hậu. Theo lời của các quan chức cai trị thì ở đó có nào là bọn bônsơvit, bọn phát xít, bọn bảo hoàng, bọn chủ trương dân chủ, bọn đòi thống nhất, bọn theo đường lối phân ly, bọn cực đoan..., bọn xăng phú bất cần và các đảng phái nhiều vô số kể, nhiều như những cái tên có cái đuôi “it” (*) ở đằng sau, tới nỗi người ta phải duy trì cả một đạo quân thám tử và điềm chỉ viên rất là tốn kém.

Và phải nói rõ là như vậy cũng chưa đủ. Tôi đã được nhìn thấy những người làm cái nghề cao quý đó hành sự một cách cần mẫn, rất có lương tâm ở các góc đường. Thí dụ có ai vừa đọc tới mấy tiếng Moscou hay Petrograd là bị luôn mấy tay này lấy tên và ghi, bạn đọc cũng biết là ghi những gì rồi. Nếu có người nào giơ cao cánh tay quơ quơ gì đó là anh ta liền lấy tên lập tức và ghi thêm là phát-xít, mặc kệ cho người đó hết hơi cải chính, nói là chỉ giơ tay ngoắc chiếc xe kéo thôi nhưng anh ta vẫn không tin, cứ đề quyết là nói láo.

Bạn sẽ nói: “Chuyện như vậy thiệt là ngốc nghếch, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại phát khóc được”. Sai rồi, sai rồi, không phải đâu bạn ơi, tất cả cái đó chỉ là một cách giống như bao nhiêu cách khác để tự làm cho mình cảm thấy sung sướng, bởi vì sung sướng thay là kẻ có thể sống bằng ảo tưởng và có nhiều ảo tưởng...; sung sướng thay là dân tộc nào có thể tự cho mình cái ảo tưởng đạt được trình độ văn minh tiên tiến mà không bị bắt buộc phải trả bằng một cái giá; sung sướng thay là vị quan chức nào đang hò hét la lối những hình nộm bằng rơm mà cứ ảo tưởng mình đang điều khiển chỉ huy những con người siêu hạng.

Bạn lại nói: “Sống bằng ảo tưởng, chỉ bằng ảo tưởng! Như vậy lại càng ngốc nghếch hơn, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại khóc hu hu lên được”.

Này, anh bạn thân mến kia ơi! Quỷ bắt anh cho rồi, bắt anh luôn với cái tật thù ghét ảo tưởng của anh! Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè.

NGUYỄN AN NINH