9/17/10

Ở xứ hạnh phúc

Nghe bản nhạc này:


TTCT - Có một cái xứ hiền khô chỉ biết ngồi yên không cựa quậy nhúc nhích tới nỗi người ta tưởng là nó giả chết. Nó cũng là một cái xứ dễ thương, một cái xứ sung sướng nhất trong cái đám những xứ sung sướng.

Công dân ở xứ đó ra sức làm lụng quần quật, quần quật không biết mệt, không biết cho ai hưởng. Cả đời nai lưng trong một công việc không thấy kết quả, chẳng khác gì kẻ múc nước đổ vô một cái thùng lủng lỗ, đổ hoài, đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra hết không thấy đầy.

Thành thử chẳng bao giờ họ được đi dạ hội, được bước vô rạp hát, được nghe hòa nhạc, được coi xinêma, được lai vãng tới chốn lầu xanh. Thiệt là cái xứ có nhiều đức hạnh. Như có điều độ: ở đó người ta chỉ ăn cơm với một chút rau luộc và chỉ uống nước ao. Như cần kiệm: ở đó người ta tiêu xài rất ít bởi vì trong túi có xu teng nào đâu mà tiêu xài. Như an phận thủ thường và bằng lòng với số phận: bởi vì hình như ở xứ đó người sung sướng hơn ai hết là người ăn mặc quần áo rách rưới tả tơi. Như biết vâng lời, phục tùng, biết cố sức chịu đựng như mấy con lừa, bị người ta mang giày tây đá đít hay lấy baton đánh vô đầu mà không dám hó hé một câu. Và lúc nào cũng chạy theo củ cà rốt của tên cưỡi ngựa ở phía trước đưa ra nhử để giễu cợt.

Ở đó đức hạnh, đức hạnh nhiều vô số kể! Làm như khoa học là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tiền bạc là nguyên nhân của mọi tật xấu, nên ở đó các loại tri thức đều bị cấm và của cải trong công quỹ thì đem ra phung phí tự do. Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước...



“...Chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè”.

NGUYỄN AN NINH



...Bạn đọc đừng tưởng đó là một xã hội thụt lùi, quá lạc hậu. Theo lời của các quan chức cai trị thì ở đó có nào là bọn bônsơvit, bọn phát xít, bọn bảo hoàng, bọn chủ trương dân chủ, bọn đòi thống nhất, bọn theo đường lối phân ly, bọn cực đoan..., bọn xăng phú bất cần và các đảng phái nhiều vô số kể, nhiều như những cái tên có cái đuôi “it” (*) ở đằng sau, tới nỗi người ta phải duy trì cả một đạo quân thám tử và điềm chỉ viên rất là tốn kém.

Và phải nói rõ là như vậy cũng chưa đủ. Tôi đã được nhìn thấy những người làm cái nghề cao quý đó hành sự một cách cần mẫn, rất có lương tâm ở các góc đường. Thí dụ có ai vừa đọc tới mấy tiếng Moscou hay Petrograd là bị luôn mấy tay này lấy tên và ghi, bạn đọc cũng biết là ghi những gì rồi. Nếu có người nào giơ cao cánh tay quơ quơ gì đó là anh ta liền lấy tên lập tức và ghi thêm là phát-xít, mặc kệ cho người đó hết hơi cải chính, nói là chỉ giơ tay ngoắc chiếc xe kéo thôi nhưng anh ta vẫn không tin, cứ đề quyết là nói láo.

Bạn sẽ nói: “Chuyện như vậy thiệt là ngốc nghếch, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại phát khóc được”. Sai rồi, sai rồi, không phải đâu bạn ơi, tất cả cái đó chỉ là một cách giống như bao nhiêu cách khác để tự làm cho mình cảm thấy sung sướng, bởi vì sung sướng thay là kẻ có thể sống bằng ảo tưởng và có nhiều ảo tưởng...; sung sướng thay là dân tộc nào có thể tự cho mình cái ảo tưởng đạt được trình độ văn minh tiên tiến mà không bị bắt buộc phải trả bằng một cái giá; sung sướng thay là vị quan chức nào đang hò hét la lối những hình nộm bằng rơm mà cứ ảo tưởng mình đang điều khiển chỉ huy những con người siêu hạng.

Bạn lại nói: “Sống bằng ảo tưởng, chỉ bằng ảo tưởng! Như vậy lại càng ngốc nghếch hơn, ngốc nghếch tới mức làm mình thương hại khóc hu hu lên được”.

Này, anh bạn thân mến kia ơi! Quỷ bắt anh cho rồi, bắt anh luôn với cái tật thù ghét ảo tưởng của anh! Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè.

NGUYỄN AN NINH

9/3/10

Tìm hiểu linh tinh: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hiểu sao cho đúng?

Có chuyên tâm vào công việc thì mới mong có thành công. Lời răn này luôn đúng. Còn một câu thành ngữ quen thuộc khác cũng mang ý nghĩ trên: "một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Nhưng tập trung để làm tốt một việc còn có thể xem xét từ một góc nhìn khác. Ở đây là các khái niệm "kỹ năng" và "nghệ thuật cân bằng". Trong cuộc sống kinh doanh hiện đại, chỉ biết và cố gắng làm tốt một công việc dường như không còn đúng nữa, đặc biệt với các doanh nhân.

Người làm kinh doanh không thể chỉ làm một công việc đơn thuần. Điều này cũng chính là điểm hấp dẫn và thú vị từ công việc kinh doanh với vô vàn thách thức. Công việc đòi hỏi mỗi doanh nhân phải có khả năng làm nhiều việc và trong số đó có một hay một vài việc làm tốt nhất. Việc cần làm tốt nhất đó, theo ý kiến chủ quan, là sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có hoặc có thể huy động được.

Khả năng làm nhiều việc giúp bồi đắp tư duy thoáng đạt cho doanh nhân. Năng lực cá nhân này sẽ chuyển hoá và phản ánh vào năng lực của doanh nghiệp. Có thể quan sát thấy doanh nghiệp cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ chính yếu nhưng điều này không đồng nghĩa họ chỉ theo đuổi và cung cấp một sản phẩm duy nhất. Hành vi này vẫn được nhắc đến khá thường xuyên trong các lý thuyết quản trị như "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" hay “bán cái thị trường cần chứ không bán cái doanh nghiệp có thể làm được”...

Diễn giải như trên có dẫn tới “chiến lược gai mít” cho doanh nghiệp? Không phải vậy. Dù làm nhiều việc nhưng vẫn có trọng tâm, vẫn cần một việc tốt nhất tại mỗi thời điểm, làm xương sống cho các hoạt động khác. Và khi triển khai đồng thời nhiều công việc, thì vai trò của phương pháp và kỹ năng thể hiện càng rõ ràng.

Việc phải làm chủ nhiều kỹ năng phản ánh rõ nét hơn với các vị trí quản lý hoặc đảm nhiệm vai trò điều phối công việc. Lấy ví dụ một cá nhân ở cương vị Giám đốc Tài chính (CFO). Kỹ năng đầu tiên mà cá nhân này phải nắm vững có thể hình dung là các kỹ thuật tài chính, kế toán, thao tác máy tính, và khai thác phần mềm... Không chỉ dừng ở đó. Để tìm đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho doanh nghiệp, cấu trúc vốn hợp lý và cân bằng quyền lợi của các bên liên quan... công việc thực tế của CFO đôi khi đòi hỏi nhiều hơn kỹ năng truyền thông, giao tế, điều chỉnh cảm xúc... Ở vị trí của mình, CFO còn thường xuyên phải làm việc với các bộ phận khác trong doanh nghiệp, bởi vậy, các kiến thức căn bản về marketing, bán hàng, nhân sự... cũng không thể thiếu.

Vậy để làm tốt công việc, CFO phải biết tất cả và giỏi tất cả? Cũng không phải vậy. Một kỹ năng quan trọng khác: Nghệ thuật cân bằng. Có thể lấy các động tác nhảy tuyệt vời của vua nhạc Pop M. Jackson làm hình ảnh minh hoạ cho kỹ năng này. Là một ca sĩ, điều trước tiên giúp Jackson bước lên ngai hoàng đế là giọng ca, nhưng các bước nhảy của nghệ sĩ này cũng mở ra một trường phái vũ đạo mới.

Người làm kinh doanh cũng vậy, luôn phải giữ thăng bằng và sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý trong muôn vàn công việc phải giải quyết. Cô marketing cần trao đổi về kế hoạch giới thiệu sản phẩm- Rất quan trọng, thị trường mà, phải cùng nhau suy nghĩ. Anh kế toán cần thống nhất lộ trình thanh toán với nhà cung cấp- Lại phải lo tiền rồi, nhưng quá quan trọng, phải bàn kỹ. Quản đốc phân xưởng thông báo có hai công nhân xin nghỉ việc- Con người là tài sản, cần tìm hiểu cụ thể lý do và có giải pháp. Và còn muôn vàn thứ khác!

Kỹ năng cân bằng dường như chưa quen thuộc tại Việt Nam. Thử tìm kiếm tại Google với từ khoá "nghệ thuật cân bằng" mang lại 15 kết quả với phần lớn nội dung là văn hoá, và nghệ thuật xiếc. Khi tìm kiếm với cụm từ "art of balancing" mang lại gần 45.000 kết quả và những kết quả tìm kiếm đầu tiên đề cập tới nội dung kinh doanh và quản trị!

Sưu tầm trên mạng Internet!